Vật liệu trong xây dựng và hoàn thiện công trình bệnh viện có vai trò quyết định trong việc đảm bảo không chỉ các yêu cầu về mặt kiến trúc, kết cấu mà còn liên quan trực tiếp đến hiệu quả khám chữa bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng và sức khỏe của cán bộ y bác sỹ, người bệnh. Chính vì vậy, với một số chủng loại vật liệu xây dựng và hoàn thiện cho công trình bệnh viện có yêu cầu rất cao, cao hơn rất nhiều so với các chủng loại vật liệu tương tự sử dụng cho các công trình dân dụng khác.
Vật liệu trong kiến trúc bệnh viện trước đây
Kiến trúc bệnh viện được coi là một trong những loại hình kiến trúc đặc thù. Trong nhiều năm, việc thiết kế và thi công các công trình bệnh viện không có nhiều thay đổi nên ứng dụng vật liệu xây dựng và hoàn thiện bệnh viện hầu như cũng không có sự đột phá. Các bệnh viện được xây dựng thời pháp thuộc như Bạch Mai, Xanh Pôn… hầu hết có kết cấu tường xây gạch, sàn bê tông, có tuổi đời sử dụng lâu năm, đã gần hết khấu hao công trình. Vật liệu hoàn thiện đơn giản, chủ yếu tường quét vôi, cửa gỗ sơn… hầu như không có gì nổi bật. Để phù hợp với các thiết bị y tế mới, đa phần các bệnh viện phải đầu tư, gia cố, bổ sung từng phần với các loại vật liệu y tế phù hợp yêu cầu và tình hình lắp đặt thiết bị y tế mới.
Các bệnh viện được xây từ những năm sau giải phóng 1975 cũng có một số thay đổi, chủ yếu được thiết kế và xây dựng theo phương pháp và công nghệ của các nước Xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan… nhưng đến nay cũng đều đã cũ. Vật liệu xây dựng chủ yếu sử dụng bê tông cốt thép, hệ thống bao che chủ yếu là gạch nung, có tham gia của một số loại vật liệu vách cửa khung thép panô kính, gạch ceramic ốp tường trong các phòng mổ, phòng thí nghiệm nhưng không nhiều về số lượng và chủng loại. Các chủng loại vật liệu mới hầu như chưa có.
Bước sang thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong những năm gần đây, kiến trúc bệnh viện giống với nhiều thể loại công trình khác có sự hội nhập với thế giới. Rất nhiều công nghệ và thiết bị y tế mới được nghiên cứu và ứng dụng, kéo theo hàng loạt tiêu chuẩn an toàn y tế và thiết bị được ứng dụng nhiều hơn các chủng loại vật liệu, đặc biệt là vật liệu hoàn thiện mới. Tuy nhiên, đây là môi trường rất đặc thù với nhiều khoa, ngành, nhiều loại thiết bị phát ra tia bức xạ có hại đến môi trường, nhiều chất độc, chất ăn mòn, nấm, vi khuẩn. Do thiếu các thông tin thống nhất, chủ yếu vẫn được tiếp thu qua từng dự án theo kiểu vừa học vừa làm nên sử dụng vật liệu xây dựng và hoàn thiện vẫn còn thiếu bài bản, chưa thành hệ thống xuyên suốt để có thể rút kinh nghiệm qua từng dự án, và có được một hệ thống vật liệu ưu việt nhất cho xây dựng bệnh viện.
Sử dụng vật liệu trong Kiến trúc bệnh viện hiện đại
Kiến trúc bệnh viện hiện đại đòi hỏi rất cao không chỉ tính thẩm mỹ và tạo hình mà còn yêu cầu rất chặt chẽ về các điều kiện an toàn như an toàn sinh học, hóa học, phòng chống cháy nổ, chống ồn, độ ổn định cao. Chính vì vậy, yếu tố vật liệu càng trở nên quan trọng, góp phần đáng kể trong sự thành công của các công trình kiến trúc bệnh viện hiện đại.
Tấm trải sàn Vinit cho công trình y tế
Hiện nay, chưa có một cuốn cẩm nang sử dụng vật liệu cho kiến trúc bệnh viện một cách bài bản. Tuy nhiên, chúng ta có một số những nhận định trong hướng sử dụng vật liệu cho kiến trúc bệnh viện mới hiện nay.Vật liệu trong kiến trúc bệnh viện là những vật liệu mới, hiện đại. Hiện nay, đã có rất nhiều công trình kiến trúc bệnh viện được xây dựng với nhiều kiểu hình khối và mô típ kiến trúc mặt tiền khác nhau. Sự tham gia của rất nhiều đơn vị tư vấn quốc tế đến từ các nước tiên tiến cũng làm bộ mặt kiến trúc bệnh viện có nhiều thay đổi đáng kể, kéo theo đó là cả những chuyển biến về sử dụng vật liệu.
Kiến trúc mặt tiền chuyển đổi, ban đầu là vật liệu gạch nung truyền thống nay đã có sự cập nhật sử dụng các loại vật liệu mới như hệ khung kim loại vách kính, các loại tấm ốp composite mặt tiền, các loại vật liệu ốp tự nhiên và nhân tạo khác như đá tự nhiên, gạch gốm ốp ngoại thất. Với đặc điểm sáng, các loại vật liệu hoàn thiện mặt ngoài này bước đầu mang lại cho kiến trúc bệnh viện một cái nhìn mới, năng động hơn, hiện đại hơn, xóa bỏ được hình ảnh khô cứng cục mịch trước đây. Tiêu biểu như bệnh viện Việt – Nhật, bệnh viện Việt – Pháp ở Hà Nội, hay bệnh viện Đa khoa An Giang, bệnh viện quốc tế Miền Đông Bình Dương…
Các loại sơn ngoại thất cũng phát triển mạnh. Đã bắt đầu xuất hiện các loại sơn đặc dụng dùng cho công trình bệnh viện có tính chất bền màu, dễ lau chùi, có khả năng kháng axit, kháng kiềm và chịu sự mài mòn cao.
Về nội thất, các loại vật liệu tấm ngăn chia được sử dụng phổ biến hơn cả. Hướng đến sự ngăn chia năng động từ một không gian lớn, hướng đến cách bố trí không gian hiện đại, xóa bỏ khuôn mẫu thiết kế theo mô đun hẹp. Các tấm vách Melamine, Compact HPL được sản xuất trên dây chuyền áp dụng công nghệ tiên tiến bằng công nghệ ép nén áp lực cao ở điều kiện áp suất 1.430psi và nhiệt độ 150oC (theo tiêu chuẩn châu Âu) trong môi trường đặc biệt. Các lớp Phenolic và bề mặt melamine được ép với nhau, tạo thành một tấm nén chắc chắn, nhẹ, bền, chống được vi khuẩn bám vào, chịu được sự bào mòn của hóa chất và chịu nước 100%. Sự đa dạng về màu sắc làm cho người sử dụng có thêm lựa chọn để phù hợp chung với không gian thiết kế của toàn thể công trình. Được đánh giá cao bởi độ cứng, độ bền trong môi trường ôxy hóa cao và ẩm ướt, chịu nước 100%, chống các nấm mốc và vi khuẩn ăn bám nên an toàn cho sức khoẻ, dễ lau chùi, dễ dàng vận chuyển, lắp đặt. Hơn thế nữa, các loại vật liệu này còn được khuyến cáo có thể sử dụng cho cửa ra vào ở các không gian khám chữa bệnh chuyên dụng của bệnh viện.
Ngoài ra, thời gian gần đây, các loại thép không gỉ trong đó có vật liệu inox cũng được sử dụng nhiều cho không gian nội thất bệnh viện. Là kim loại không bị han gỉ, khả năng tạo hình cao, có độ bền tốt, dễ dàng lau chùi tẩy rửa, chịu mài mòn nên được sử dụng để chế tạo các vách ốp, các tay nắm cửa và cả hệ thống đồ nội thất.
Vật liệu trong kiến trúc bệnh viện cần bền vững với môi trường. Trong số các loại vật liệu mới được phát triển gần đây, các chủng loại vật liệu sử dụng “xanh” thân thiện với môi trường đã được khuyến khích sử dụng. Tiêu biểu là các liệu vật liệu không nung như gạch không nung, bê tông khí chưng áp, sàn bê tông nhẹ, sàn ô cờ… giúp công trình tiết kiệm từ 10 -12% chi phí nguyên vật liệu xây thô trong thi công do giảm nhẹ được trọng lượng của các cấu kiện, rất phù hợp với rất nhiều chức năng cách âm, cách nhiệt khác nhau trong không gian bệnh viện. Hiệu quả thẩm mỹ của gạch không nung là rất đáng kể nếu kết hợp với các loại gạch ốp mặt ngoài hiện đại như tấm ốp kim loại, tấm ốp composite.
Thiết kế BV Copenhagen – Đan Mạch
Trong một số các không gian đặc biệt như phòng chụp cắt lớp citi, phòng chụp X – Quang, các vật liệu bền vững với môi trường như các loại tấm vật liệu cản tia xạ, vữa barit, chì lá, cao su chì… là các loại vật liệu mới thay thế cho bê tông chì thường được thi công rất phức tạp trước đây. Các phòng có sử dụng máy phát sinh ra chất phóng xạ phải được bảo vệ, che chắn tuyệt đối không cho các tia phóng xạ lọt ra hành lang hoặc các không gian khác làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của mọi người. Trước đây, bê tông chì được thi công đổ trực tiếp tại công trường rất dễ gây nhiễm độc cho công nhân và môi trường. Hiện nay, các loại vật liệu cản tia xạ này được chế tạo thành các tấm rời theo mô đun 1m x 1m hoặc nhỏ hơn, tùy theo yêu cầu, có thể lắp đặt trực tiếp vào kết cấu khung của không gian một hay nhiều lớp, rất nhanh chóng và thuận tiện, đảm bảo được các yêu cầu khắt khe nhất.
Các loại vật liệu trải sàn mới thân thiện với môi trường cũng đã xuất hiện ứng dụng rất nhiều cho các không gian phòng mổ, phòng thí nghiệm có yêu cầu về độ cơ lý hóa, tính chống mài mòn, kháng khuẩn và tự làm sạch cao như thảm nhân tạo, tấm vinyl. Sàn trong bệnh viện cần là loại sàn thông minh, tinh tế, thân thiện môi trường. Không bị tác động bởi nước và các chất tẩy rửa sàn, kháng ẩm, chống cháy lan, chóng cong vênh khi nhiệt độ thay đổi đồng thời kháng khuẩn, chống nấm mốc, chống trơn trượt, êm, mềm, thẩm mỹ cao. Một loại thảm mới được chế tạo bằng sợi cacbon có thành phần nano bạc thêm vào giúp tăng cường khả năng khử khuẩn và vô trùng với độ bền cao cũng có thể là một lựa chọn tốt thay thế cho các vật liệu trải sàn truyền thống.
Sử dụng các chủng loại vật liệu hiện đại trong kiến trúc bệnh viện là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, sử dụng sao cho đúng, sao cho khéo lại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nhận biết và kỹ năng làm nghề của kiến trúc sư. Đã có những bài học thực tế chỉ ra việc sử dụng vật liệu không đúng chỗ mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình khám chữa bệnh của đội ngũ y bác sỹ và hồi phục sức khỏe của bệnh nhân như sử dụng vách kính quá mức trong các phòng thí nghiệm, phòng khám bệnh công nghệ cao, phòng phẫu thuật… yêu cầu hạn chế bức xạ mặt trời hay ánh nắng chiếu trực tiếp; hay sử dụng các loại tấm ốp vô tội vạ khiến cho giá thành công trình đội lên rất cao, ảnh hưởng đến giá trị đầu tư chung của cả công trình… Để khắc phục được chính những điều này, nhất thiết phải có các cách thức cập nhật cho các KTS, các đơn vị thiết kế bệnh viện những kiến thức tổng thể về sử dụng vật liệu cho thiết kế bệnh viện thông qua hội thảo chuyên đề, ấn phẩm cẩm nang, sổ tay sử dụng vật liệu phân phối dưới dạng sách in và sách điện tử. Đi xa hơn một bước, cần thống nhất lại hệ thống các quy chuẩn và quy phạm sử dụng vật liệu cho thiết kế bệnh viện theo hướng “bỏ lạc hậu – thêm hiện đại”, cập nhật toàn bộ các tiêu chí sử dụng vật liệu theo hệ thống các tiêu chí thiết kế và thiết bị mới nhất, tiên tiến nhất, có tính đến các giá trị và điều kiện của Việt Nam.
KTS.TRẦN ĐỨC DƯƠNG – Công ty Kiến trúc DIC Saigon
Nguồn ảnh: Internet
Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam số 7/2012