Trong các loại hình công trình công cộng, bệnh viện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần đáng kể trong việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Tầm quan trọng này khiến bệnh viện trở thành công trình có đòi hỏi cao về giải pháp thiết kế cũng như công nghệ xây dựng.
ĐIỂM YẾU TRONG THIẾT KẾ
Trong thực tế thiết kế ở không ít bệnh viện, do đội ngũ thiết kế không am hiểu tường tận về dây chuyền công năng cũng như các yêu cầu ngặt nghèo về điều kiện vệ sinh và vô khuẩn đã dẫn đến những hiệu quả khó lường.
Nhiều bệnh viện được xây dựng quá nhiều kính và kín bưng, khiến không khí không thể lưu thông, dễ gây ô nhiễm và lây nhiễm chéo khi không đảm bảo điều kiện vi khí hậu cũng như lượng khí tươi vào phòng.
Đầu năm 2003, bệnh Sars (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) ở Việt Nam được ghi nhận từ một người Trung Quốc. Sáu ngày sau khi bệnh nhân nhập viện, một số nhân viên y tế tại bệnh viện Việt – Pháp đã xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp. Sau một thời gian ngắn, con số bị nhiễm bệnh lên tới 63 người. Chủ yếu các trường hợp mắc đều có liên quan dịch tễ với nguồn lây từ bệnh viện Việt – Pháp, do có tiếp xúc trong môi trường lây nhiễm. Một trong những nguyên nhân là do bệnh viện Việt – Pháp sử dụng hệ thống điều hòa không khí không được lọc khuẩn nên rất có thể bệnh đã lây lan qua con đường này.
Có những bệnh viện, khu vực cấp cứu lại nằm quá xa cổng chính (đến gần trăm mét) điều nay làm cho việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân kịp thời trở nên vô nghĩa.
Vì vậy, người thiết kế bệnh viện phải là kiến trúc sư chuyên ngành, am hiểu về dây chuyền hoạt động của bệnh viện, có thông tin đầy đủ về hệ thống văn bản pháp quy, về trình độ KHCN, trang thiết bị, máy móc trong ngành y tế và có nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn. Điều này sẽ rất có ích trong việc thiết kế một bệnh viện đúng quy chuẩn quốc tế và khu vực.
Một thiết kế bệnh viện đáp ứng yêu cầu là phải thỏa mãn nhu cầu khác nhau của người sử dụng: chủ đầu tư, bác sĩ, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân… trong đó lấy người bệnh là đối tượng chủ đạo. Một bệnh viện có đội ngũ y bác sĩ giỏi, có tay nghề nhưng trong môi trường và điều kiện cơ sở vật chất không hợp lý thì khó đòi hỏi kết quả điều trị tốt hơn.
Theo Quy chế bệnh viện, tùy theo quy mô và hạng bệnh viện cũng như chức năng, nhiệm vụ và tổ chức mà bệnh viện có các phòng ban và khoa khám, chữa bệnh khác nhau. Sự đa dạng này được phản ánh trong phạm vi và sự chuyên biệt của các quy định, các văn bản quản lý. Tuy nhiên mỗi mô hình, loại hình bệnh viện đều phải dựa trên các nguyên lý thiết kế cơ bản. Những yêu cầu cơ bản phải mang tính bắt buộc. Bên cạnh đó tùy theo mức độ dịch vụ, tiêu chí chủ đạo bệnh viện, các quy định về tiện nghi liên quan đến giường bệnh và điều kiện chăm sóc bệnh nhân sẽ đưa ra những yêu cầu cho từng giải pháp thiết kế, xây dựng và công nghệ khác nhau.
Thiết kế bệnh viện quốc tế Miền Đông, Bình Dương
MỘT SỐ QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH VỀ THIẾT KẾ BỆNH VIỆN
Kể từ văn bản tiêu chuẩn đầu tiên về thiết kế bệnh viện ban hành năm 1978 đến nay, tiêu chuẩn thiết kế bệnh viện đã được soát xét, sửa đổi bổ sung ban hành nhiều lần. Đó là vào các năm 1987 (TCVN 4470 : 1987); năm 1995 (TCVN 4470: 1995); năm 2007 (TCVN 365: 2007) và gần đây nhất tiêu chuẩn này đã được soát xét, sửa đổi và sắp công bố ban hành (TCVN 4470 : 2012).
Bên cạnh đó, theo yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã ban hành một số tiêu chuẩn cấp ngành nhằm đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của bệnh viện, nhất là trong bối cảnh hiện nay, mô hình xã hội hóa các cơ sở y tế khám bệnh và chữa bệnh (bệnh viện tư nhân và bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài) ngày càng nhiều. Ví dụ như một số tiêu chuẩn ngành: Khoa cấp cứu – Khoa điều trị tích cực – chống độc – Tiêu chuẩn thiết kế (52 TCN – CTYT 37: 2005); Khoa phẫu thuật – Tiêu chuẩn thiết kế (52 TCN – CTYT 38: 2005); Khoa xét nghiệm – Tiêu chuẩn thiết kế (52 TCN – CTYT 39: 2005); Khoa chẩn đoán hình ảnh – Tiêu chuẩn thiết kế (52 TCN – CTYT 40: 2005)…
Các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn ngành trên đây đã và đang là các cơ sở pháp lý trong việc thẩm định, thẩm tra, tư vấn thiết kế và xây dựng công trình bệnh viện mà không phân biệt nguồn vốn đầu tư.
Một trong những yêu cầu đặt ra đối với các tiêu chuẩn thiết kế bệnh viện đó là phải thỏa mãn các yêu cầu chức năng cơ bản sau: Phục vụ bệnh nhân; Phục vụ cho công tác khám bệnh và điều trị; Phục vụ kỹ thuật nghiệp vụ; Phục vụ hành chính quản trị, hậu cần và dịch vụ tổng hợp; Phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy.
Các chức năng này phải có mối liên hệ mật thiết với nhau. Điều này sẽ là cơ sở quan trọng trong việc lựa chọn vị trí và giải pháp bố cục mặt bằng, nội dung và giải pháp thiết kế cho từng hạng mục trong bệnh viện mà chủ đầu tư và tư vấn thiết kế cần hướng tới.
Tuy nhiên trong thực tế khi thiết kế bệnh viện còn có nhiều bất cập từ nhiều phía, riêng trong lĩnh vực tiêu chuẩn có thể đưa ra một số hạn chế như: các quy định quá chặt chẽ, cụ thể không đáp ứng với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế giữa các vùng miền; nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt hiện nay xu hướng xã hội hóa công tác chăm sóc và khám chữa bệnh đang rất phổ biến. Có những quy định do áp dụng từ các tiêu chuẩn nước ngoài nên chưa thể áp dụng trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. Việc phân cấp, phân hạng bệnh viện theo phân cấp quản lý hành chính làm hạn chế khả năng đầu tư và xây dựng. Các quy định trong tiêu chuẩn mới chỉ đáp ứng và phù hợp cho các dự án đầu tư xây mới. Trong khi đó rất nhiều bệnh viện lại có nhu cầu nâng cấp, cải tạo. Các quy định chưa theo kịp với trình độ khoa học, công nghệ mới. Chưa tính đến hiểm họa khi xảy các dịch bệnh lớn hoặc ngộ độc tập thể, cấp cứu thảm họa… Chưa tính đến các xu hướng kiến trúc thân thiện và bền vững với môi trường hiện nay như công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng có hiệu quả, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một số nội dung khác cũng chưa được quan tâm trong thiết kế bệnh viện. Ví dụ như hệ thống khí y tế, hệ thống khí vô trùng. Ngày nay, với sự tiến bộ của ngành y khoa trong công tác điều trị, thì hệ thống khí y tế là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định cho kết quả điều trị an toàn và tránh gây nhiễm khuẩn, lây lan mầm bệnh cho bệnh nhân và cho các nhân viên y tế.
Sự thiếu kiến thức cơ bản về bệnh viện của các KTS dẫn tới có một số bệnh viện có dây chuyền công năng được hiểu sai, vẽ sai và dẫn đến nhiều vấn đề bất cập. Ví dụ như ở khoa phẫu thuật không thiết kế lối riêng cho việc chuyển đồ bẩn, bệnh phẩm từ phòng mổ. Hành lang thiết kế không đủ rộng để quay cáng hoặc vận chuyển cáng, cửa ra vào không đóng mở hai chiều gây khó khăn… Trong khi đó theo yêu cầu thì phòng mổ phải được thiết kế sạch bẩn một chiều, các khu tiếp liệu thanh trùng, phòng sạch, khu vực hành lang sạch, hệ thống vận chuyển bệnh phẩm… luôn phải đáp ứng được sự tiện lợi cho nhân viên y tế khi làm việc để phục vụ bệnh nhân nhanh nhất.
Tất cả những nguyên nhân trên đây dẫn đến sự yếu kém về cơ sở vật chất của bệnh viện ở các cấp, nhất là ở các địa phương, vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân để người bệnh đi lên tuyến trên hoặc thậm chí là ra nước ngoài chữa bệnh, trong khi đó có rất nhiều bệnh, với tay nghề và chuyên môn cao, các bác sĩ ở Việt Nam hoàn toàn có thể chữa khỏi được.
Một trong những lý do rất đơn giản là ở các bệnh viện ở nước ngoài, họ được ở trong các phòng chăm sóc bệnh nhân thoáng mát, sạch sẽ, không có cảnh nằm chung giường gây nhiễm chéo. Người bệnh được chăm sóc tận tình, chu đáo.
THIẾT KẾ BỆNH VIỆN DƯỚI GÓC ĐỘ TIÊU CHUẨN HÓA
Để khắc phục những hạn chế trên đây, chúng ta cần có cách tiếp cận mới trong xây dựng các quy định trong thiết kế bệnh viện. Những yêu cầu mang tính bắt buộc liên quan đến an toàn, sức khỏe và môi trường phải được điều chỉnh trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Về vấn đề này Bộ Y tế và Bộ Xây dựng cũng đang triển khai biên soạn.
Việc xây dựng tiêu chuẩn theo các loại hình bệnh viện như được nêu trong quy hoạch phát triển mạng lưới khám chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 cần phải xem lại (ví dụ như xây dựng tiêu chuẩn riêng cho loại hình bệnh viện quận huyện, bệnh viện khu vực…). Nên chăng chỉ xây dựng tiêu chuẩn chung cho bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa và tiêu chuẩn cho các khoa cơ bản trong bệnh viện như khoa phẫu thuật, khoa chẩn đoán hình ảnh, khoa xét nghiệm, khoa sản, khoa nhi… Nội dung tiêu chuẩn chỉ nên ra những yêu cầu tối thiểu phải đạt được để khuyến khích đạt được ở mức cao hơn.
Bệnh viện quốc tế Vinmec, Hà Nội
MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN CHÚ Ý ĐẾN KHI THIẾT KẾ BỆNH VIỆN
1. Có quy hoạch giao thông chặt chẽ và rõ ràng. Các khu đất được quy hoạch làm bệnh viện thường tiếp xúc ít nhất hai mặt đường. Tách bạch các luồng giao thông trong bệnh viện: Luồng giao thông dành riêng cho cấp cứu; Luồng giao thông dành riêng cho bệnh nhân; Luồng giao thông dành riêng cho cán bộ nhân viên, khách; Luồng giao thông dành riêng cho phục vụ công cộng; Luồng giao thông cứu hỏa.
Đặc biệt chú ý đến sảnh đón tiếp bệnh nhân, tránh ùn tắc, tập trung đông người.
2. Công trình có các hình khối gọn, đảm bảo công năng, giảm mật độ xây dựng công trình tăng hệ số sử dụng đất, giảm quãng đường đi lại của người bệnh đến các khoa phòng. Lập sơ đồ về mối quan hệ giữa các khu vực chức năng: theo phương ngang và phương đứng, đảm hoạt động chuyên môn theo mô hình tập trung, liên hoàn, khép kín trong phạm vi khuôn viên của bệnh viện.
3. Khi thiết kế các không gian trong bệnh viện cần tính đến các yếu tố: số lượng giường bệnh, số lượng phòng khám; số lượng và các loại thiết bị, máy móc, số lượng phòng phẫu thuật; các cơ sở đào tạo; các đặc tính chủ đạo của bệnh viện (theo các khoa, phòng), số nhân viên/số giờ hoạt động; mối quan hệ liên khoa, phòng; các yêu cầu về mức độ tiện nghi, có tỷ lệ hợp lý giữa bộ phận phụ trợ với bộ phận có công năng chính của bệnh viện.
4. Tính đến quy trình xử lý trong tình huống thảm họa và trong tình trạng khẩn cấp, tiếp nhận cùng lúc nhiều bệnh nhân.
5. Cần có các lưu ý đặc biệt đối với các khoa phòng có yêu cầu vô khuẩn, chống lây nhiễm chéo.
6. Có hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị máy móc phục vụ cho nhu cầu chăm sóc bệnh nhân như hệ thống khí y tế trung tâm, hệ thống thông khí vô trùng, hệ thống tay vịn trong bệnh viện, hệ thống báo gọi y tá, hệ thống kết nối màn hình, mạng nội bộ, hệ thống loa phóng thanh, hệ thống PACS, chẩn đoán hình ảnh…
7. Giải pháp thiết kế, kết cấu vỏ bao che và thiết bị điện cần tính đến yêu cầu sử dụng năng lượng có hiệu quả. Số tầng cao, giải pháp kết cấu, an toàn mái và các bộ phận kiến trúc của bệnh viện phải tính đến các yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.
8. Hình thức thu gom và xử lý chất thải trong bệnh viện phải được kiểm soát chặt chẽ theo quy chế quản lý chất thải y tế.
9. Sử dụng vật liệu hoàn thiện, trang trí có màu sắc có thể giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục. Các bệnh viện nên được thiết kế với lối kiến trúc mở gắn liền với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Bệnh viện được xây dựng theo hướng tiếp cận mới thân thiên với bệnh nhân, tạo sự tiện nghi, dễ chịu và kết nối thuận tiện cho việc đi lại của người bệnh. Tiến tới bệnh viện phải đáp ứng với yêu cầu dịch vụ tiện nghi như nghỉ dưỡng (chức năng khách sạn) và chữa bệnh (chức năng bệnh viện)→Bệnh viện khách sạn.
Ngoài ra bệnh viện còn phải là công trình xanh, sử dụng năng lượng có hiệu quả, sử dụng nước có hiệu quả.
Thiết kế bệnh viện tốt tác động nhiều tới tâm lý bệnh nhân, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian phục hồi của họ. Việc đưa cảnh quan thiên nhiên, cây xanh vào bệnh viện cũng là yếu tố quan trọng. Điều này giảm sự căng thẳng và cải thiện tâm trạng của bệnh nhân, giúp bệnh nhân chóng khỏi bệnh hơn – điều mà các bệnh viện luôn hướng tới.
ThS. Trần Thanh Ý
Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị & Nông thôn
Nguồn ảnh: Internet
Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam